Cơn sốt nhà chọc trời Trung Quốc “hớp hồn” giới kiến trúc phương Tây
Trước sự bùng nổ xây dựng trong những thập niên gần đây, các kỹ sư Mỹ và châu Âu đang đổ xô tới Trung Quốc, biến tầm nhìn táo bạo các nhà lãnh đạo nước này thành các tòa chọc trời và đem đến cho mỹ quan các đô thị một diện mạo mới.
Vào thời điểm khi nhiều nền kinh tế phương Tây rơi vào tình trạng uể oải và nhiều dự án xây dựng bị trì hoãn hoặc thu nhỏ vì thiếu kinh phí, Trung Quốc lại đang trên đà thúc đẩy đô thị hóa - xây dựng cao ốc văn phòng, khu chung cư, trung tâm triển lãm, sân vận động, nhà ga tàu cao tốc và gần 100 sân bay mới. Sự bùng nổ này đang giúp các kiến trúc sư Mỹ và châu Âu có những cơ hội và nguồn sống mới.
Nhiều trong số các công trình xây dựng hiện đại mang tính biểu tượng của Trung Quốc, trong đó có Poly New Plaza, Trung tâm thương mại thế giới ở Bắc Kinh và Trung tâm tài chính thế giới Thượng Hải, đã được thiết kế bởi các kiến trúc sư tới từ Mỹ và châu Âu.
Nhiều dự án khác cũng đang được tiến hành - thậm chí có những dự án lớn tương đương quy mô một thành thành phố, như khu công nghiệp đang được xây dựng tại khu vực Phố Đông của Thượng Hải. Có vẻ như mỗi thành phố lớn của Trung Quốc đều đang xây dựng hoặc mở rộng một quận thương mại trung tâm hoặc trung tâm tài chính - thường là kích thước của các khu này tương đương một thành phố tầm trung của Mỹ.
Các kiến trúc sư nước ngoài đã đổ tới Trung Quốc từ cuối những năm 1990. Nhưng sự bùng nổ xây dựng chỉ thực sự bắt đầu vào năm 2001, đúng lúc làn sóng xây dựng chậm lại tại Mỹ. Chính phủ Trung Quốc ước tính khoảng 300 triệu người - tương đương dân số Mỹ - sẽ chuyển tới sống tại các khu vực đô thị trong 15 năm tới.
“Các nhà ga, sân bay - họ thực sự cần tất cả mọi thứ. Đó là một nơi mà kiến trúc sư muốn đến”, ông Martin Hagel, kiến trúc sư cấp cao của công ty Đức GMP đóng tại Thượng Hải, cho biết.
Và, trong khi nhiều công ty bất động sản tại Mỹ e ngại với các tòa nhà chọc trời kể từ vụ tấn công khủng bố 11/9 thì Trung Quốc là nơi các kiến trúc sư Mỹ nói rằng họ có thể xây cao và to.
Tự do sáng tạo
Trung Quốc là nơi các kiến trúc sư nước ngoài nói họ có thể phát huy mọi khả năng sáng tạo.
Tại Trung Quốc, “mọi người không có khái niệm trước rằng sự phát triển xây dựng sẽ như thế nào”, ông Silas Chiow, giám đốc công ty xây dựng Skidmore Owings Merrill (SOM) của Mỹ chi nhánh tại Trung Quốc, nói. “Điều đó khiến các kiến trúc sư trẻ có cơ hội để thử các ý tưởng mới”.
SOM đã thiết kế nhiều dự án tại Trung Quốc như tháp Jin Mao tại Thượng Hải, New Poly Plaza và Tháp III của Trung tâm thương mại thế giới tại Bắc Kinh. SOM hiện có 32 nhân viên tại Trung Quốc và đang thực hiện 50 dự án, hơn 10 dự án trong số đó sẽ hoàn thành trong 2 hoặc 3 năm tới.
“Trung Quốc gần giống như một phòng thí nghiệm cho kiến trúc sư khác nhau”, ông Chiow nhận xét.
Tuy nhiên, điều đó cũng gây ra những chỉ trích. Vài kiến trúc sư uy tín của Trung Quốc và các nhà chỉ trích nói rằng một số nhà thiết kế nước ngoài đang bỏ qua các truyền thống và văn hóa Trung Hoa, biến Trung Quốc thành một phòng trưng bày các công trình có hình dáng kỳ quặc.
“Họ đang coi Trung Quốc như là khu thử nghiệm các vũ khí mới”, ông Peng Peigen, một kiến trúc sư nổi tiếng kiêm giáo sư tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nói. “Những thứ ngớ ngẩn mà họ xây dựng tại Trung Quốc không được phép xây ở nước họ, dù là ở hiện tại, quá khứ hay tương lai”.
Ông Peng khen ngợi 95% các kiến trúc sư nước ngoài nhưng cũng chỉ ra rằng 5% còn lại đã phớt lờ các quy tắc thiết kế cơ bản. Ông Peng cũng chỉ trích sân vận động hình Tổ chim ở Bắc Kinh do Thụy Sĩ thiết kế.
Trong nước thiếu hụt
Nhiều trong số các dự án lớn nhất do các kiến trúc sư nước ngoài thiết kế là do chính phủ cấp kinh phí. Ông Peng và những người khác cho biết các quan chức Trung Quốc - và một công ty bất động sản tư nhân - thường muốn một công ty nước ngoài tham gia vào công trình mà họ hi vọng sẽ trở thành biểu tượng.
Trung Quốc cũng có các kiến trúc sư trong nước nhưng do trước đây nghề này không được coi trọng nên nước này có quá ít kiến trúc sư giàu kinh nghiệm.
James Shen, một kiến trúc sư 33 tuổi từ Quận Cam, bang California (Mỹ), tới Trung Quốc với thư giới thiệu của một giáo sư tại Học viện công nghệ Massachusetts. Đến Trung Quốc, Shen phát hiện ra rằng “rất nhiều khách hàng Trung Quốc muốn thuê các kiến trúc sư nước ngoài vì cho rằng họ sẽ làm tốt hơn”.
Các kiến trúc sư Mỹ và châu Âu nói rằng đây là một cơ hội tuyệt vời để chứng tỏ tài năng, kinh nghiệm với các thiết kế tiên tiến, sử dụng các công nghệ xanh tiết kiệm năng lượng. Và đối với các kiến trúc sư trẻ, đó là một cơ hội để tích lũy kinh nghiệm trên quy mô lớn.
Mặc dù không có thống kê chính thức về số lượng các công ty thiết kế nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc nhưng ông Silas Chiow cho rằng: “Tất cả các công ty lớn của Mỹ đều hoạt động tại đây”.
“Tôi bị cuốn hút bởi tốc độ đô thị hóa tại Trung Quốc. Những gì Trung Quốc xây dựng được trong 15 năm qua tương đương 100 năm của Mỹ”.
Ít quan liêu
Một lý do nữa hấp dẫn các kiến trúc sư phương Tây tới Trung Quốc là cơ hội nhìn thấy một dự án được thiết kế, xây dựng và hoàn thành chỉ trong thời gian ngắn, khoảng vài năm. Trong khi đó tại Mỹ, nhiều thủ tục quan liêu khiến các dự án thường mất hơn một thập kỷ mới hoàn thành, thậm chí còn dài hơn.
Tại Trung Quốc, các thành phố thường xây dựng các công trình với thời gian hoàn thành nhanh và chi phí thấp.
Ví dụ, một kiến trúc sư Mỹ cho hay ở Mỹ các tòa tòa thường được thiết kế để tồn tại từ 75-100 năm. Nhưng tại Trung Quốc, các công ty bất động sản tư nhân chỉ muốn xây dựng một ngôi nhà tồn tại đối đa là 30 năm. “Ý tưởng của họ về một ngôi nhà giống như một hàng hóa. Nó có thể bỏ đi sau khi sử dụng 1 lần”, kiến trúc sư Mỹ nói.
*************
TIN TỨC BĐS
- Theo Dân trí/Washington PostTIN TỨC BĐS
Nhadat568.com
Cơn sốt nhà chọc trời Trung Quốc “hớp hồn” giới kiến trúc phương Tây
Đánh giá bởi Admin
trên
December 22, 2010
Xếp hạng:
No comments:
Post a Comment