Bến Lức vững bước đi lên
Bến Lức vững bước đi lên
29/04/2010 8:44
Bến Lức phát triển Khu công nghiệp |
Bến Lức là cửa ngõ phía Tây của Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ và ngược lại, có hệ thống giao thông thuận tiện: Quốc lộ 1A nối thị trấn Bến Lức với Thành phố Tân An đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và với Thành phố Hồ Chí Minh, từ đây nối với các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến đường Quốc lộ N2 đi qua địa bàn huyện góp phần tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện. Các tuyến tỉnh lộ 830, 832, 835 nối với Quốc lộ 1A và các tuyến Hương lộ tạo thành mạng lưới giao thông đường bộ khá hoàn chỉnh và rất thuận tiện trong việc giao lưu với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Ngoài các tuyến đường bộ, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, hệ thống giao thông thủy cũng rất phát triển. Sông Vàm Cỏ Đông đổ ra Biển Đông, có cảng quốc tế BourBon Bến Lức được đưa vào khai thác từ năm 2005 với ngành nghề chính là chế biến, đóng gói và kinh doanh khai thác cảng, dịch vụ cảng (Cảng vụ), bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu và dịch vụ kho bãi, nhà xưởng tại cảng. Đây là là một lợi thế mà ít địa phương nào có được.
Huyện Bến Lức được chia ra thành 2 vùng: Vùng phía Nam của huyện với hệ thống giao thông thủy, bộ thuận tiện, có tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ; dân cư tập trung đông đúc, có nhiều khu đô thị và khu - cụm công nghiệp nên có thể xem đây là địa bàn “động lực” phát triển của huyện. Vùng phía Bắc chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng chủ lực là mía, chanh, thơm… và gần đây, với sự phát triển chung của tỉnh, nhiều khu - cụm công nghiệp mới được hình thành theo trục tỉnh lộ 830 đã mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác, đầu tư.
Trên cơ sở phân vùng và định hướng sắp tới, Bến Lức sẽ tiếp tục phát triển toàn diện trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp. Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ sẽ ngày càng lớn trong tổng GDP của địa phương.
Hiện nay, Bến Lức đã thu hút tiếp nhận được hơn 16 dự án khu, cụm công nghiệp, đã tiến hành bồi thường và san lấp mặt bằng 1.022 ha; trong đó có 6/9 khu công nghiệp đã triển khai và đi vào động với hơn 833 ha. Toàn huyện hiện có 25 dự án Khu dân cư đô thị với diện tích 1.245 ha, trong đó đã triển khai được 11 dự án với diện tích 496,7 ha. Thị trấn Bến Lức được công nhận là Đô thị loại IV.
Trong thu hút đầu tư, đến nay, trên địa bàn huyện có 1.069 doanh nghiệp đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký hơn 6.000 tỷ đồng; 62 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với tổng số vốn gần 900 triệu USD.
Năm 2009, trong khi nền kinh kế trong nước gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng Bến Lức vẫn cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 11% (đạt 3.221 tỷ đồng - Giá cố định 1994). Về cơ cấu kinh tế, huyện tiếp tục duy trì tốc độ phát triển và cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ở khu vực II và III và giảm dần tỷ trọng ở khu vực I (KVI: 6 %, KV II: 76,5 %, KV III: 17,5 %).
Tiếp tục phát huy thành tựu đạt được trong những năm qua, trong năm 2010, Bến Lức sẽ tập trung hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra như:
1- Về thu hút đầu tư – xây dựng kết cấu hạ tầng:
Tiếp tục làm việc với nhà nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các dự án đang triển khai thi công dỡ dang để có đất sạch giao cho các nhà đầu tư sản xuất trực tiếp.
Điều chỉnh, chuyển đổi một số vị trí đầu tư cho phù hợp với sự phát triển chung của địa bàn trên cơ sở chỉ tiêu quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Đối với các dự án kéo dài không triển khai thi công sẽ đề nghị UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư để giao lại cho các nhà đầu tư khác.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đang thi công nâng cấp, mở rộng tuyến đường Thạnh Đức – Vàm Thủ Đoàn và khởi công xây dựng cầu Vàm Thủ Đoàn; đường An Thạnh - Rạch Rít, đường Mỹ Yên - Tân Bửu; đường Mỹ Yên - Thanh Phú; đồng thời cũng đề nghị tỉnh sớm đầu tư tuyến đường từ tỉnh lộ 830 - Tân Hòa - Bình Lợi (Thành phố Hồ Chí Minh), xây dựng mới cầu Tân Hòa; kêu gọi Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư cầu Rạch Hai Nhung…
2- Một số chỉ tiêu chủ yếu của năm 2010:
a/ Chỉ tiêu về kinh tế:
- Tổng GDP tăng 20% so với năm 2009.
- GDP bình quân thu nhập đầu người (theo giá hiện hành) 44,975 triệu đồng/người/năm tương đương 2.570 USD/người/năm.
- Giá trị tăng thêm của ngành nông – lâm - ngư nghiệp giảm 1,5%.
- Giá trị tổng sản lượng sản xuất nông nghiệp 366 tỷ đồng (trong đó: trồng trọt 300 tỷ đồng, chăn nuôi 61 tỷ đồng, lâm nghiệp 0,20 tỷ đồng, thủy sản 5,10 tỷ đồng).
- Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp và xây dựng tăng 20%.
- Giá trị tăng thêm của ngành thương mại - dịch vụ tăng 20%.
- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển 86,555 tỷ đồng (trong đó nguồn theo tỷ lệ điều tiết là 27,055 tỷ đồng, nguồn quỹ nhà đất công 27,000 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa 32,500 tỷ đồng).
- Tổng thu ngân sách nhà nước 194 tỷ đồng, tổng chi ngân sách nhà nước 144,922 tỷ đồng (theo chỉ tiêu tỉnh giao).
b/ Các chỉ tiêu xã hội:
- Tỷ lệ tăng dân số 1,08%
- Lao động được giải quyết việc làm 7.000 nguời.
- Giảm 300 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4,5%.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 11%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo 50%.
- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 30% (17/55 trường).
- Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch 95%.
Trên cơ sở đó, tương lai không xa huyện Bến Lức sẽ thực sự trở thành khu đô thị, công nghiệp và thương mại - dịch vụ vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh.***********
TIN TỨC BĐS
Nhadat568.com
Trần Văn Nhung
Bến Lức vững bước đi lên
Đánh giá bởi Admin
trên
October 27, 2010
Xếp hạng:
No comments:
Post a Comment